Hà NộiChủ nhật, 12/05/2024, 09:33
Image 26°C

Vì sao giới trẻ liên tục than vãn về “cột sống”?

Thời gian gần đây, cụm từ “cột sống bạn ổn không” được Gen Z sử dụng rộng rãi trên mạng xã hội. Câu nói đó mang một ý nghĩa mới thể hiện tình trạng mệt mỏi về thể chất của người trẻ hiện đại. Cách nói lái này mặc dù “vô thưởng vô phạt”, song lại phản ánh một thực trạng ở giới trẻ hiện đại: tình trạng sức khỏe suy giảm do lối sống ít vận động.

Phóng viên (PV): Thưa BS. Phạm Thị Phương Mai, bác sĩ nghĩ sao về tình trạng giới trẻ thường xuyên than vãn về “cột sống”, thậm chí nhiều bạn phải đến các cơ sở y tế để điều trị. 

BS.Phạm Thị Phương Mai: Hiện nay, người trẻ thường có xu hướng thức khuya, ăn tối muộn, chế độ ăn uống nhiều chất đường bột, không cung cấp đủ dinh dưỡng cho xương... làm cho cơ thể trở nên thừa cân, gia tăng áp lực lên cột sống, tổn thương cột sống và dẫn đến bệnh lý kiên quan. Hơn  nữa các bạn trẻ thường xuyên cúi đầu sử dụng điện thoại, đeo túi nặng lệch một bên, gối đầu quá cao khi ngủ, nằm gục trên bàn để nghỉ ngơi, đi giày cao gót... cũng là những tác nhân gây tổn thương cột sống. Ngoài ra, nhiều người trẻ cũng lười tập thể dục, từ đó, dẫn đến việc tuần hoàn máu kém, giảm khả năng tái hấp thu và phục hồi tổn thương.

1
BS.Phạm Thị Phương Mai chia sẻ về tình trạng ít vận động của giới trẻ (ảnh: Huyền Hậu)


Phóng viên (PV): Với góc nhìn của bác sĩ chuyên khoa vật lý trị liệu, Chị có thể cho biết nguyên do từ đâu mà giới trẻ ngày nay lại ngày càng có xu hướng lười vận động ? 

BS.Phạm Thị Phương Mai: Qua quá trình thăm khám các đối tượng bệnh nhân trẻ tuổi thì đôi khi nó liên quan đến xu thế chung của xã hội. Bởi ví dụ đơn giản như mình bây giờ mua đồ ăn, mua sắm, đi chợ thì đều gọi ship người ta mang lên tận nơi thành ra mình gần như không phải vận động đi lại quá nhiều, lâu ngày nó thành thói quen và khi đã thành thói quen thì rất khó thay đổi rồi tạo thành 1 cái xu hướng của các bạn là ngại không muốn vận động. Ngoài ra còn một nguyên nhân khác, nhiều bạn rất bận rộn, đam mê với công việc, học hành.. gần như là quỹ thời gian của các bạn ý kín trong ngày, đến tối về rất mệt, chỉ muốn nằm nghỉ ngơi nên thời gian để tập luyện nâng cao sức khỏe gần như là không có và lâu ngày sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe.”


Phóng viên (PV): Dù là do thói quen hay do nhịp sống hiện đại thì đều gây ra những ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe về cả mặt thể chất và tinh thần của các bạn trẻ. Vậy bác sĩ có thể làm rõ hơn về những hậu quả từ việc duy trì lối sống không lành mạnh trong thời gian dài được không ?

BS.Phạm Thị Phương Mai: Việc duy trì lối sống không lành mạnh nó ảnh hưởng rất nhiều đến vấn đề sức khỏe cũng như là tinh thần của mỗi con người. Tuy nhiên, đứng dưới góc độ là một bác sĩ cơ xương khớp thì mình thấy hệ cơ xương khớp là hệ vận động, nên khi các bạn không cho nó được vận động, luyện tập thì lâu ngày nó sẽ để tạo nên hệ lụy đi theo. Ví dụ như xu thế đối tượng bệnh nhân thoái hóa cột sống, thoái hóa đốt sống cổ, cột sống thắt lưng, các hội chứng tổn thương thần kinh ngoại vi như hội chứng cổ vai, đau thần kinh tọa, đau thần kinh liên sườn, hội chứng tiền đình ở các bạn trẻ có xu thế đang càng ngày càng trẻ hóa. Những bệnh lý này khi bị tổn thương, tuy người trẻ khả năng phục hồi và điều trị cao nhưng hệ lụy để lại ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, hiệu quả lao động rất nhiều. Ví dụ như sẽ tạo nên các triệu chứng đau đầu, hoa mắt chóng mặt, thậm chí là buồn nôn, suy giảm trí nhớ, tê bì tay chân, nặng hơn thì có thể dẫn đến liệt, rối loạn đại tiểu tiện.. nhìn chung nó sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống cũng như hiệu suất công việc rất là nhiều.”

Phóng viên (PV): Với những hậu quả khôn lường mà bác sĩ vừa cho biết thì chúng ta có thể thấy được sức khoẻ của Gen Z đang ở tình trạng báo động. Vậy BS có lời khuyên nào để giúp các bạn trẻ có thể chủ động “phòng tránh”, bảo vệ sức khoẻ của chính mình?

BS.Phạm Thị Phương Mai: Hệ cơ xương khớp của mình nó nằm trong hệ vận động vì thế muốn cải thiện tình trạng này thì chỉ có một cách duy nhất đó là các bạn phải tích cực vận động thêm. Vận động ở đây thật ra thì nhóm bệnh lý này nó không phải nhóm bệnh đa phần nằm trong những nhóm bệnh lý nguy hiểm cấp bách đến tính mạng. Thế nhưng nó ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của mình. Việc tăng cường vận động có ý nghĩa rất nhiều và nó phải mất thời gian. Các bạn phải duy trì nó để tạo thành thói quen hàng ngày. Việc vận động ở đây không phải là quá to tát như phải đến các phòng tập Gym, phải thuê PT để tập với cường độ cao, không nhất thiết phải như thế. Các bạn chỉ cần vận động những bộ môn nhẹ nhàng như tập Yoga, hoặc chơi thể thao, đạp xe, bơi lội hoặc chạy bộ cũng rất là tốt. Ví dụ buổi sáng hoặc buổi chiều muộn chúng ta dành chút thời gian. Đơn giản nhất khi các bạn làm việc, ví dụ ngồi làm việc được 15-20 thậm chí là 30 phút, các bạn nên tạm ngừng một chút để đi lại, có thể đi ra góc nhà lấy một cốc nước để uống hoặc đi lại một chút thì nó rất là có ý nghĩa đến hệ vận động của mình.”

1
BS.Phạm Thị Phương Mai chia sẻ về những Tips sinh hoạt có lợi cho cột sống của Gen Z (ảnh: Huyền Hậu)

Phóng viên (PV): Với nhịp sống hối hả như hiện nay, Bác sĩ có thể chia sẻ số Tips sinh hoạt cho Gen Z có thể kết hợp đi làm, đi học để không gặp phải tình trạng liên quan đến “cột sống”?

BS.Phạm Thị Phương Mai: Cái này thật ra rất là đơn giản, không có gì to tát cả. Ví dụ các bạn phải chia thời gian của mình ra, có thể làm việc rất say mê cuốn hút một ngày nhiều tiếng, thế nhưng mình cố gắng tạo thói quen khoảng 20-30 phút gì đấy đứng lên đi lại uống nước cung cấp nước cho cơ thể, rồi mình nghiêng người vận động 1 chút cho thư giãn. Lâu dần nó tạo thói quen rất tốt, vừa có cơ thể thoải mái mà tinh thần cũng minh mẫn hơn. Đối với những bạn làm việc dưới máy tính nhiều giờ thì các bạn xem xét lại tỉ lệ giữa cái ghế ngồi và bàn làm việc của mình, chú ý vì điều này liên quan đến chiều cao của mỗi người nên nó không có 1 cái quy chuẩn nhất định là phải bao nhiêu xăng ti mét. Các bạn nên cân đối để cái ghế không bị thấp quá, cố gắng cao lên một chút để khi làm việc dưới máy tính thì cái vai của mình được thả lỏng để tránh được nhóm bệnh lý về cổ vai, ví dụ hội chứng cổ vai gây chèn ép dẫn đến hoa mắt chóng mặt, tê bì hoặc suy giảm hiệu suất lao động. Ngoài ra việc ngồi thẳng lưng cũng rất quan trọng, các bạn có xu hướng ngồi nhiều tư thế khác nhau vì thế nó không được tốt cho cột sống. Trên thị trường có rất nhiều loại ghế thậm chí là bàn rất linh động vừa đứng được vừa ngồi được. Nếu phải làm việc thường xuyên thì mình đầu tư những bộ bàn ghế như thế rất là hiệu quả và bởi chúng ta cũng sử dụng lâu dài.”

Gen Z đang gặp phải vấn đề sức khoẻ về cả thể chất lẫn tinh thần, trong xu hướng sống hiện nay, điểm tích cực có rất ít nhưng những bất cập tồn tại khá nhiều. Dù biết rằng thành công luôn là điều cần chinh phục nhưng khi phải có sức khỏe chúng ta mới tận hưởng được hạnh phúc trọn vẹn. 
 

Tác giả: Bùi Thị Huyền Hậu

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây