Hà NộiChủ nhật, 12/05/2024, 20:06
Image 24°C

Những cạm bẫy đang chờ tân sinh viên (Kỳ 2): Từ những cám dỗ đến tệ nạn xã hội

Datnuoc.com.vn - Đến những thành phố lớn nhập học, các tân sinh viên bắt đầu trải nghiệm cuộc sống mới với những mối quan hệ rộng mở và nhịp sống đô thị khác biệt. Nhiều cám dỗ nảy sinh từ đây và đã có nhiều người đánh mất bản thân, liên tục vướng vào những tệ nạn xã hội.

Không thiếu những trường hợp “đánh mất tuổi trẻ” vì sa đà vào tệ nạn nhưng để gặp trực tiếp và phản ánh câu chuyện ấy đến quý độc giả là chuyện không hề dễ dàng. Bởi lẽ, chẳng ai mong muốn mình xuất hiện trên các phương tiện báo chí, truyền thông trong tình cảnh xấu xí ấy.

Chúng tôi tìm đến gia đình, người thân của những người đã “lầm lỡ, trót dại”. Trong câu chuyện kể về con trai mình, người mẹ ấy không ngừng rơi nước mắt.

Những cạm bẫy đang chờ tân sinh viên (Kỳ 2): Từ những cám dỗ đến tệ nạn xã hội ảnh 1

Nỗi lòng của mẹ

Vì quen biết từ trước, chúng tôi tìm đến nhà của cô B.T.H tại Thái Bình để nghe cô chia sẻ câu chuyện về cậu “quý tử”. Vừa mở đầu câu chuyện, nhắc đến con trai, người mẹ ấy đã nghẹn ngào không nói nên lời.

Con trai cô (H.N.A 21 tuổi) từng là một học sinh tiêu biểu, những năm tháng cấp 3, em học hành ổn định, luôn vui vẻ, tích cực và yêu thương gia đình. Sau tốt nghiệp THPT, em học tại một trường cao đẳng tại Hà Nội với mong muốn ra trường sớm, đi làm phụ giúp mẹ lo kinh tế cho em trai ăn học . Thế nhưng, chỉ sau một năm, liên tục có những “tín hiệu” lạ gửi đến nhà làm cô H có dự cảm chẳng lành.

Tháng 9 năm 2022, có một nhóm người đến nhà và thông báo con trai cô đang vay nợ, quá hạn trả. Những người này đưa ra hình ảnh căn cước công dân và hình ảnh con trai cô H. Sợ tình trạng lừa đảo, cô H từ chối trả tiền, đe doạ báo công an và nhóm thu nợ rời đi. Cô gọi điện cho N.A để hỏi xem con trai có vay nợ hay không thì N.A nói không vay, dặn mẹ cẩn thận lừa đảo.

Tháng 11 năm 2022, lại có một nhóm đòi nợ nữa đến nhà cô H và thông báo số nợ hàng chục triệu đồng. Con trai gọi điện và thề rằng mình vẫn học hành, không vay nợ nên cô H tin tưởng, cho rằng nhóm thu hồi nợ là hình thức lừa đảo.

“Tin nhắn, cuộc gọi của hai mẹ con cứ thế ít dần, cô buồn lắm. Cô vẫn chu cấp tiền cho nó đầy đủ dù nó bảo rằng đã đi làm thêm. Cô rất lo cho sức khoẻ của nó, cô thường hỏi han bạn bè của N.A xem tình hình của nó thế nào vì sức khoẻ cô yếu, không thể lên Hà Nội để thăm con được.”

Những cạm bẫy đang chờ tân sinh viên (Kỳ 2): Từ những cám dỗ đến tệ nạn xã hội ảnh 2

Nhiều lần con trai bị các đối tượng đòi nợ đăng hình lên mạng xã hội, cô gọi hỏi thì nhận được câu trả lời từ con rằng đó chỉ là hình thức lừa đảo.

Hai mẹ con dần có khoảng cách, mâu thuẫn vì N.A nhiều lần báo về nhà rằng mất điện thoại, mất ví, rơi tiền. Đỉnh điểm nhất là mồng 2 tết 2023, cô nhờ con trai đi rút hộ số tiền là 15 triệu đồng, con trai cô để lại dòng tin nhắn xin lỗi mẹ, lấy lý do con làm rơi và bỏ lên Hà Nội mà không lời từ biệt. Những “tín hiệu” này làm cô H ngày càng bất an. Thấy con tiêu cực trong thời gian dài, người mẹ cũng không quát mắng. “Cô biết rằng con mình đã lấy tiền nhưng thấy nó tiêu cực trong thời gian dài nên không dám mắng mỏ, sợ nó nghĩ quẩn. Cô chỉ nghĩ rằng, nếu nó có trót nợ nần thì coi như số tiền ấy giúp nó trả nợ.” – Cô H nhớ lại.

Tưởng như mọi việc sẽ dừng lại sau lần ấy, nhưng sóng gió đến càng lúc càng mạnh. Nhiều tin nhắn đòi nợ con trai đến từ chính những người thân, bạn bè của con khiến cô H thất vọng, suy sụp. Rồi một ngày, một người bạn thân của con về quê, gặp cô H và nói ra những gì con trai đang làm trên Hà Nội, trái tim người mẹ như chết lặng. Đôi mắt người mẹ lúc nào cũng đỏ hoe khi nhắc tới con trai và không biết đây là lần thứ mấy, cô H phải ngồi bình tĩnh trở lại mới tiếp tục câu chuyện với chúng tôi.

Vòng lặp tệ nạn

Những ngày đầu tới thủ đô, N.A không phải lo chỗ ở vì được sắp xếp ở chung một nhà với người anh họ và các anh chị đồng hương khoá trên. Sống và sinh hoạt chung với nhiều đối tượng, lối sống của tân sinh viên này bắt đầu thay đổi. Thời điểm mới nhập học, N.A theo các bạn, các anh cùng nhà chơi điện tử thâu đêm. Khi đã mệt nhoài, N.A trở về nhà ngủ và sáng hôm sau đến trường với trạng thái lờ đờ, thiếu ngủ.

Chàng trai này nhanh chóng có mối tình thời sinh viên và luôn giấu mẹ chuyện yêu đương của mình. Để có thêm nhiều tiền, N.A bắt đầu tìm việc làm. Vì sức khoẻ không đáp ứng và thời gian của sinh viên có hạn nên sau 2 tháng, em đã nghỉ làm. Được các “anh lớn” giới thiệu những trò đỏ đen, “nạp 1 kiếm 10” và không cần phí sức, N.A bắt đầu tìm hiểu cờ bạc online và trở thành con bạc lúc nào không hay. Những khoản tiền học thêm, chi phí phát sinh mà mẹ chu cấp được dồn vào việc ăn chơi và cờ bạc. Đó là lý do cô H tâm sự dù con nói đã đi làm thêm nhưng chẳng đỡ đần cho mẹ được ngày nào.

Thấy các “anh lớn” cùng nhà có xe mới, điện thoại xịn, chàng trai trẻ cũng đòi hỏi mẹ mua xe nhưng với lý do “xe đi làm”. Thương con, cô H dồn tiền mua xe mà chẳng suy nghĩ. Rồi trong một lần cờ bạc online, N.A thua đậm và lâm vào nợ nần. Tân sinh viên sợ hãi không dám báo về nhà và được các “anh” giới thiệu khoản vay tín dụng qua các ứng dụng online. Vay lần đầu rồi lần thứ hai và biết bao nhiêu tiền cho đủ với cờ bạc online. Số nợ, số lãi cứ thế tăng đến mức không thể chi trả. Đó là lý do cô H gặp các nhóm thu hồi nợ đến nhà.

“Cô quá mù quáng khi hết lần này đến lần khác tin tưởng con dù có những thứ như phơi bày trước mắt.” – Cô H nghẹn ngào.

Những cạm bẫy đang chờ tân sinh viên (Kỳ 2): Từ những cám dỗ đến tệ nạn xã hội ảnh 3

Bạn T.Đ - người bạn thân từ nhỏ đến lớn của N.A chia sẻ: “Lên Hà Nội, tin nhắn của bọn em dần ít đi và chỉ còn nội dung duy nhất là vay tiền. Có lần bạn nói phải vào viện, em phải đi vay để đưa cho bạn. Phát hiện ra bạn lừa mình, em thất vọng vô cùng.

Nợ nần chồng chất, N.A quyết định bỏ học để đi làm và tất nhiên là giấu mẹ chuyện này. Để tránh việc nghỉ học quá nhiều, nhà trường gọi về cho gia đình, N.A viết đơn xin bảo lưu kết quả học tập. Và thế là tiền học phí và những khoản tiền con trai xin mẹ để phục vụ việc học lại được sử dụng vào mục đích khác.

Trong một lần buồn bã vì chia tay mối tình sinh viên, N.A đã theo các “anh lớn” trong nhà sử dụng cần sa, tập tành hút thuốc lá và bị nghiện thuốc lá nặng. “Thấy nó hút thuốc, cô sợ nếu cấm thì nó giấu và hút nhiều nên có ngồi tâm sự với con rằng hút thuốc ít đi và dần bỏ thuốc. Ai ngờ phía sau mấy điếu thuốc lá này, con trai dính vào thứ tệ nạn chết người kia.” – Người mẹ nhiều lần ân hận vì không quyết liệt với con.

Nước mắt cô H giàn giụa: “Có tệ nạn nào mà nó không dính vào. Ngày biết nó bỏ học, cô đau lòng lắm. Cô dành hết những gì tốt đẹp nhất cho con chỉ mong con khoẻ mạnh, học hành đến nơi đến chốn để ra trường. Thế rồi mọi thứ đã sụp đổ.”

Lại nói về hoàn cảnh của cô H, mới lấy chồng được 6 năm thì chồng mất vì tai nạn giao thông. Cô H ôm khoản nợ khổng lồ người chồng để lại và trở thành mẹ đơn thân chăm sóc hai người con. Hơn 20 năm vừa lo trả nợ cho người chồng quá cố, vừa lo cho các con ăn học, những tưởng quả ngọt sẽ đến với người mẹ này nhưng thực tế lại quá phũ phàng.

“Kinh tế gia đình khó khăn nhưng cô chưa bao giờ tiếc con cái tiền học, chỉ mong con học hành nên người. Thế mà sao chỉ lên Hà Nội 1 năm mà con thay đổi nhanh quá.”

Tâm sự đến đây, cô H vội lau nước mắt vì có khách đến mua hàng. Dù thất vọng, chán nản đến suy sụp nhưng người mẹ ấy vẫn cố gắng gồng gánh trả nợ cho con để con trai có cơ hội được làm lại.

Thực tế, có rất nhiều gia đình lâm vào bần cùng vì con cái vướng vào các tệ nạn xã hội. Bước chân đến những thành phố lớn, các tân sinh viên cần cảnh giác và tỉnh táo trước những cám dỗ “chết người” này bởi chỉ cần dính đến một tệ nạn xã hội là sẽ có nguy cơ lớn rơi vào liên tiếp các tệ nạn xã hội khác. Đừng vì một phút yếu lòng hay vài phút ham chơi mà đánh mất chính bản thân, đánh mất tương lai phía trước.

Theo Lê Vượng (Tiền Phong)

Tác giả: Lê Vượng

Nguồn tin: https://tienphong.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây