Hà NộiThứ hai, 13/05/2024, 02:06
Image 29°C

Học gì để không thất nghiệp?

Chỉ cần 0,34 giây tìm kiếm trên Google, 38,000,000 kết quả sẽ hiện ra cho câu hỏi “Ngành nghề nào sẽ bị công nghệ thay thế?”. 

10 phút dạo quanh Hồ Gươm, tôi được 5 bác thợ mời chụp ảnh lấy ngay với giá chỉ 30 nghìn/tấm. Những lời mời chào này đối với tôi không còn quá xa lạ, bởi đâu chỉ ở trên Hồ Gươm, từ bãi biển đến núi rừng Tây Bắc, có khách du lịch sẽ có thợ ảnh. Ấy vậy mà chỉ bằng một chiếc điện thoại, hầu hết mọi người đều từ chối bỏ tiền ra thuê thợ chụp hình.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều người sẵn sàng đáp lại lời mời chụp hình, không phải họ muốn tấm ảnh rửa lấy ngay, cũng không phải họ không có điện thoại. Chỉ đơn giản là xuất phát từ lòng thương cảm cho những người thợ ảnh đang bị công nghệ đào thải một cách trắng trợn.

Tôi không chắc đến khi nào các bác thợ chụp hình trên Hồ Gươm sẽ phải nghỉ hưu vì bị chiếc điện thoại thông minh thay thế hoàn toàn; nhưng có một điều tôi chắc chắn là vẫn có những người thợ ảnh “hái ra tiền” từ công việc này.

Một bộ ảnh đen trắng trong studio: 5 triệu; một bộ ảnh kỷ yếu đơn: 3 triệu; một khoá dạy chụp ảnh: 15 triệu… Đó là cách những người thợ ảnh mà tôi biết kiếm tiền triệu mỗi ngày.

Có thể bao biện rằng đầu tư một studio khiến nghề chụp ảnh “sang” hơn, hay có góc đẹp hơn để khách hàng lựa chọn. Thế nhưng, phí chụp ảnh ngoại cảnh của những người thợ giỏi còn đắt hơn gói chụp ảnh bình thường trong studio.

Đều biết chụp ảnh, thậm chí các bác lớn tuổi còn nhiều kinh nghiệm chụp ảnh hơn. Nhưng có người lang thang cả ngày ở bờ hồ không kiếm nổi 100 nghìn, có người chỉ cần ký hợp đồng hẹn lịch là kiếm được vài triệu.

Sự khác biệt ở đây có lẽ ai cũng hiểu được, đó là nút giao giữa kỹ năng và công nghệ. Thay vì oán trách công nghệ đào thải nghề chụp hình, những người thợ ảnh “thức thời” đã biết cách dùng công nghệ để phục vụ cho công việc của họ.

Điện thoại có thể chụp ảnh nhưng nếu bạn muốn một bộ ảnh có màu đẹp, được căn góc cạnh đẹp nhất, chắc chắn bạn sẽ nghĩ đến chuyện thuê người thợ trong một studio nào đó, chứ không phải ra Hồ Gươm tìm các bác thợ chụp ảnh dạo.

Không chỉ căn chỉnh góc hình cho bạn, những người thợ “thức thời” ấy còn biết cách sử dụng các ứng dụng đồ hoạ để xóa nếp nhăn hay khiến mắt bạn to hơn, gương mắt có hồn hơn.

Những người thợ chụp ảnh trong studio có sợ điện thoại thay thế nghề của mình không? Câu trả lời là không bởi điện thoại không có kỹ năng căn góc máy, chỉnh sửa ảnh sao cho “hợp thời” nhất. Cùng một câu hỏi đó, hỏi thợ chụp ảnh dạo ngoài Hồ Gươm. Câu trả lời là có, bởi thực tế cho thấy họ đang dần bị thay thế bởi chiếc camera nhỏ xíu của điện thoại thông minh.

Thử hỏi đến hiện tại có ngành nghề nào mà AI (trí tuệ nhân tạo) không làm được. Từ tạo lập chương trình, thiết kế đồ hoạ, tính toán, phiên dịch đến cả viết lách theo từng văn phong, từng ngôn ngữ riêng. Sản phẩm của AI tạo ra đều đạt mức chính xác cao (trong trường hợp bạn bỏ tiền ra để trải nghiệm một website AI).

Điều duy nhất trí tuệ nhân tạo không bằng con người là nó không có ý thức và kém linh hoạt hơn rất nhiều. Tôi đưa cho nó đề bài về miêu tả con mèo, nó chỉ biết miêu tả một cách chung chung chứ đâu biết con mèo nhà tôi thích ăn rau hơn là ăn cá.

Vậy nên nếu thực sự nghiêm túc muốn miêu tả con mèo tôi phải tự làm hoặc đi thuê một người viết giỏi. Trong trường hợp đó, người viết không giỏi sẽ được xếp ngang hàng với AI và không nằm trong sự lựa chọn thuê mướn của tôi. Bởi việc gì tôi phải bỏ tiền ra thuê một người làm việc tầm trung trong khi tôi có thể lên Google và làm điều đó miễn phí.

Xét ngành nghề để dự trù cho việc “vĩnh viễn” không thất nghiệp chẳng có mấy ý nghĩa. Bởi ai biết đâu ngày mai sẽ có một thiết bị nào đó được phát minh để làm công việc bạn đang làm với mức độ chính xác cao hơn con người.

Học ngành nào cũng được, chỉ cần bạn nổi bật trong số những người học ngành đó sẽ chẳng thiếu việc cho bạn làm. Thế nhưng kỹ năng cũng không phải là tất cả, nếu không “thức thời” đi theo sự tiến bộ của thời đại, một ngày nào đó công nghệ sẽ tiếp tục tạo ra làn sóng sa thải mới.

Câu trả lời cho câu hỏi ban đầu là chẳng có ngành nào là không thể thất nghiệp, thay vì nghĩ phải học gì, hãy nghĩ đến việc nên học như nào để không bị đào thải.

Tác giả: Thảo Phương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây