Hà NộiThứ hai, 13/05/2024, 08:41
Image 28°C

Người dân bãi giữa sông Hồng thấp thỏm trước thông tin di dời

Lê Vượng, Việt An
Datnuoc.com.vn - Hàng nghìn hộ dân khu Bắc Cầu ở ngã ba sông Hồng và sông Đuống sống trong tâm trạng thấp thỏm suốt 7 năm khi hay tin phải di dời theo quy hoạch phòng, chống lũ.

Bắc Cầu trước đây là làng cổ thuộc phủ Từ Sơn (Bắc Ninh), sau đó sáp nhập địa giới về huyện Gia Lâm, nay thuộc phường Ngọc Thụy, quận Long Biên. Không nhiều người biết chính xác làng cổ có từ khi nào, song ở mảnh đất này có những gia đình đã sống qua 10 thế hệ.

Bắc Cầu hiện tại là khu dân cư đông đúc, nhà cửa san sát trải dài suốt trục đường chính hơn 3 km nối liền đê Ngọc Thụy. Từ đường chính đi ra sông Hồng chỉ khoảng 200 m.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khu dân cư này thuộc khu vực lòng sông co hẹp, tốc độ dòng chảy cao, dễ bị sạt lở gây mất an toàn khi có lũ. Do đó, Quyết định 257/2016, Quyết định 429/2023 của Thủ tướng phê duyệt quy hoạch phòng chống lũ và đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình xác định Bắc Cầu là một trong 10 khu dân cư phải di dời.

Một góc khu dân cư Bắc Cầu nơi ngã ba sông giao giữa sông Hồng và sông Đuống. Ảnh: Ngọc Thành

Một góc khu dân cư Bắc Cầu nơi ngã ba sông giao giữa sông Hồng (phải) và sông Đuống. Ảnh: Ngọc Thành

Ông Nguyễn Văn Phúc, 70 tuổi, Tổ trưởng tổ dân phố số 36 Bắc Cầu, cho biết không hộ dân nào tại đây muốn dời đi chỗ khác trước thông tin khu dân cư nằm trong quy hoạch phòng, chống lũ.

Theo ông Phúc, khu dân cư Bắc Cầu xưa vốn là vùng đất bãi, nhà cửa thưa thớt, người dân sống bằng cả nghề chài lưới, buôn bán, lẫn trồng dâu nuôi tằm. Thời điểm bãi bồi trên sông Hồng còn chưa bị sạt lở, dân ở đây ra sông tắm, giặt vẫn nói chuyện được với người ở bên kia sông. Bắc Cầu hiện có 4 tổ dân phố với hơn 2.000 hộ, riêng tổ 36 có khoảng 400 hộ.

Khoảng 50 năm trước, khi nhiều nhà máy thủy điện trên dòng sông Đà chưa được xây dựng, người dân Bắc Cầu đã sống chung với nước lũ, song vẫn tồn tại và phát triển. "Người dân tìm cách chống chọi với lũ, thời đó mỗi gia đình đều có một chiếc thuyền để phòng lũ về. Trẻ con trong làng 5-6 tuổi đã biết bơi ", ông Phúc nói.

Trong trí nhớ của ông Phúc, chỉ có năm 1969 và 1971, Bắc Cầu đón hai trận lũ lịch sử khiến cả khu vực chìm trong nước. Từ đó đến nay, người dân nơi đây không chứng kiến thêm trận lũ nào khác. Ngay cả trận lũ cao điểm năm 1986 (khi đó làng Bắc Cầu thấp hơn hiện tại khoảng một mét), nước cũng chỉ ngấp nghé mặt đường, tràn vào đến sân nhà. Năm 2008, khi nội thành Hà Nội ngập sâu, khu vực này vẫn không bị ảnh hưởng.

Chuyện sạt lở hiện cũng hiếm khi xảy ra kể từ năm 2007 khi quanh làng được làm kè đá. Đường sá cũng được đắp cao bằng mặt đê. Đang trong mùa nước lũ cao điểm, mực nước sông Hồng vẫn thấp hơn 10 mét so với mặt trục đường chính của làng Bắc Cầu.

Không còn lũ lụt hay sạt lở, nên thông tin khu dân cư thuộc diện phải di dời theo quy hoạch khiến ông Phúc và nhiều người dân bất ngờ. "Bao đời chúng tôi sống ở đây chứ có phải chuyển từ nơi khác tới đâu, nên việc phải di dời là không hợp lý", ông Phúc nói.

Nhà cửa san sát trên trục đường chính khu dân cư Bắc Cầu. Ảnh: Ngọc Thành

Nhà cửa san sát trên trục đường chính khu dân cư Bắc Cầu. Ảnh: Ngọc Thành

Ông Nguyễn Văn Hải, 50 tuổi, một cư dân Bắc Cầu, cho hay cuộc sống của nhiều hộ dân bị đảo lộn từ khi biết tin nằm trong diện quy hoạch, phải di dời. Đến nay qua 6 năm, người dân không nhận thêm thông báo nào nên càng lo lắng, phân vân chuyện đi hay ở.

Nhiều ngôi nhà vẫn được xây mới tại Bắc Cầu. Các hộ dân cho biết muốn xây nhà tại đây phải xin duyệt nhiều cấp, đặc biệt là không được xây nhà quá 3 tầng nhằm tránh ảnh hưởng tới nền đất.

"Về cơ bản không ai ở Bắc Cầu muốn đi nơi khác khi cuộc sống đang ổn định", ông Hải nói.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Loan, 58 tuổi, trú tại tổ 36, cho hay trong trường hợp buộc phải di dời người dân mong muốn được đền bù hợp lý. "Cho chúng tôi ở nhà đất, chứ đừng ở chung cư", bà nói.

Mới đây, thông qua Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, cử tri Bắc Cầu kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép khu vực này được tồn tại, bảo vệ như khu phố cổ, làng cổ; các hộ dân không phải di dời và được phép cải tạo, sửa chữa, xây dựng mới công trình nhà ở. Tuy nhiên, Bộ cho rằng kiến nghị này là chưa phù hợp nhưng cho biết ghi nhận ý kiến của cử tri để̉ báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.

Vào năm 2011, trong văn bản gửi UBND TP Hà Nội cho ý kiến về quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, Bộ cũng không nhất trí giữ lại hai khu dân cư Bắc Cầu và Bồ Đề...

Đường sá trong khu dân cư Bắc Cầu đều được bê tông hóa, rất thuận tiện cho người dân đi lại. Ảnh: Ngọc Thành

Đường sá trong khu dân cư Bắc Cầu đều được bê tông hóa, rất thuận tiện cho người dân đi lại. Ảnh: Ngọc Thành

Quyết định số 257 của Thủ tướng về Phê duyệt Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, cho biết với các khu vực dân cư tập trung ngoài bãi sông sẽ di dời các hộ dân cư vi phạm pháp luật đê điều, nằm trong phạm vi bảo vệ đê điều, khu vực đang bị sạt lở nguy hiểm. Một số khu dân cư ở khu vực lòng sông co hẹp, nguy cơ mất an toàn khi có lũ lớn cũng từng bước được di dời.

Những khu dân cư tập trung muốn được tồn tại, bảo vệ phải đáp ứng một trong các tiêu chí là khu phố cổ, làng cổ theo quy định tại Luật Đê điều; diện tích nhỏ hơn hoặc bằng 5 hecta và có từ 400 người (hoặc 100 hộ) trở lên; diện tích lớn hơn 5 hecta và có mật độ dân cư từ 80 người/hecta (20 hộ/hecta) trở lên, trong đó không được quy đổi khu vực có mật độ dân cư cao bù cho khu vực có mật độ dân cư thấp; có cao độ nền tự nhiên khu dân cư cao hơn mực nước lũ thiết kế đê.

Theo phụ lục 2 của Quyết định 257, số hộ thuộc diện di dời của khu dân cư Bắc Cầu năm 2016 là 757, tuy nhiên thực tế nơi đây hiện đã có hơn 2.300 hộ dân. Ngoài khu dân cư Bắc Cầu, hơn 1.000 hộ dân thuộc khu dân cư Bồ Đề, Thượng Thanh (quận Long Biên), Bát Tràng, Yên Viên (huyện Gia Lâm), Võng La - Hải Bối (huyện Đông Anh)... cũng nằm trong danh sách di dời để đảm bảo an toàn thoát lũ.

Theo Việt An (VNEXPRESS)

Tác giả: Lê Vượng, Việt An

Nguồn tin: https://vnexpress.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây