Hà NộiChủ nhật, 12/05/2024, 13:44
Image 24°C

“Làm giàu” bản thân nhờ trải nghiệm “xê dịch”

Không đơn thuần là trải nghiệm tại một địa điểm mới, dự án “Vi Vu Sapa” hướng tới khai thác giá trị thực, thúc đẩy giáo dục văn hóa và tăng kết nối xã hội ở người trẻ.

Theo chị Tuệ Châu - Trưởng Ban tổ chức dự án “Vi Vu Sapa”, chương trình là một mô hình trải nghiệm tiết kiệm, phù hợp với các bạn sinh viên và người mới ra trường. Các hoạt động trong khuôn khổ dự án đều chú trọng đến yếu tố trải nghiệm và giáo dục về văn hóa. Năm 2023, “Vi Vu Sapa” đã tổ chức 3 đợt, dự kiến đợt 4 diễn ra vào ngày 25 - 26/11, tại Tả Phìn (Sapa).

         

Tâm huyết cho dự án trải nghiệm đối với người trẻ, điều mà chị Tuệ Châu mong muốn chỉ đơn giản là sự thu hoạch trọn vẹn và cơ hội được học tập, tiếp cận giá trị văn hóa, giá trị cho cộng đồng của những người xa lạ (Ảnh: NVCC).

Những trải nghiệm “khó tìm”

Với lịch trình công việc dày đặc, Nguyễn Quốc Tuấn (Hà Nội) vẫn dành thời gian ưu tiên cho chuyến đi trải nghiệm “Vi Vu Sapa” để kiếm tìm nguồn cảm hứng mới mẻ. Quốc Tuấn cho biết: “Tại ‘Vi Vu Sapa’, mình có cơ hội được sống chậm lại, hòa mình vào thiên nhiên kỳ vĩ, lắng nghe thanh âm cuộc sống diệu kỳ vùng Tây Bắc và cảm nhận cuộc sống, con người nơi đây. Nhờ thế mà mình được tái tạo nguồn năng lượng, sẵn sàng cho những kế hoạch tiếp theo sau khi kết thúc chuyến đi” 

                                                     

Quốc Tuấn cho rằng, những trải nghiệm trên hành trình tuổi trẻ là thứ tài sản quý giá, không thể đánh đổi bằng tiền tài, danh lợi (Ảnh: NVCC).

Hơn 20 năm sống trên đất thủ đô, Lê Minh Tân (2003, Hà Nội) đã quá quen thuộc với nhịp sống đô thị tấp nập, xô bồ. Việc tham gia trải nghiệm “Vi Vu Sapa” khiến Minh Tân cảm thấy bản thân được đi đến một thế giới khác. Chàng trai gốc Hà thành chia sẻ: “Ở đấy vẫn ồn ào nhưng là tiếng cười nói, tiếng chào nhau giữa người dân với bọn mình, tiếng chim trên các cây xanh và tiếng mạ phất phơ gió trên đồi ruộng bậc thang”.

                                                                            

Với Minh Tân, chuyến đi “Vi Vu Sapa” như một phương tiện chữa lành, giúp Tân đón nhận nhiều nguồn năng lượng tích cực và góp phần cân bằng cán cân tinh thần của chính mình (Ảnh: NVCC).

Cũng sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, Hồng Vân (2003) lần đầu được trải nghiệm nấu cơm bằng bếp củi. Hồng Vân cho biết: “Mình may mắn được hưởng đầy đủ điều kiện vật chất từ nhỏ nên chưa từng nấu cơm bằng bếp củi. Hình ảnh được nấu ăn cùng mọi người và ngồi quây quần bên bếp lửa ấm cúng là điều mà mình vốn chỉ thấy ở trong phim nay đã thành hiện thực”.

     

Sau chuyến trải nghiệm “Vi Vu Sapa” lần 2, Hồng Vân trở lại nơi đây cùng năm người bạn thân của mình. Với Vân, hoạt động này không chỉ là du lịch mà còn là hai ngày được học và sống trải nghiệm như con người tại vùng cao Tây Bắc (Ảnh: NVCC).

Vy Thoa (2003, Hải Dương) tâm sự: “Không có du lịch check-in sang chảnh, không có thưởng ngoạn chạy xô theo các địa điểm hot trên mạng xã hội. Ở đây, chúng mình được khám phá bản làng bằng chính đôi chân, đôi mắt và khắc sâu vào trong tâm hồn”. Cô gái đất kinh kỳ đã học hỏi thêm được nhiều điều về kiến trúc nhà ở, quy trình nhuộm vải và dệt, các công cụ sinh hoạt dân dã và nếp sống của người dân tộc H’Mông.

                                                                            

Lần đầu tiên tham gia trải nghiệm “Vi Vu Sapa” là dịp để Vy Thoa phá băng những trải nghiệm trước đó cô bạn chưa từng thử qua (Ảnh: NVCC).

Bảo Ngọc (2001, Thái Bình) cũng không ngại chia sẻ về hoạt động yêu thích của bản thân trong chương trình: “Buổi tối ngày đầu tiên, chúng mình được ngồi thiền với Sư thầy và các bạn. Không gian thiền trà thật đặc biệt. Chỉ có ánh sáng hắt ra từ những cây nến nhỏ, tiếng mưa rơi lách tách bên mái, tiếng hơi thở êm đềm chìm trong sự tĩnh lặng và an lạc”.

                                                                                         

Hoạt động thiền trà giúp Bảo Ngọc có cơ hội tạm gác lại những ồn ào, náo nhiệt ngoài kia, buông bỏ hết những âu lo, mối bận tâm trong cuộc sống để quay trở về bên trong, cảm nhận trọn vẹn sự sống qua từng hơi thở của bản thân (Ảnh: NVCC).   

Chia sẻ về hoạt động đặc biệt trong trải nghiệm “Vi Vu Sapa” đợt 3, Hồng Nhung (2003, Hà Nội) cho biết: “Cá nhân mình là một người lười vận động. Việc đi bộ gần 20km trong hai ngày trải nghiệm là một kỷ lục mà mình chưa bao giờ dám nghĩ tới. Thậm chí, mình luôn là người đi cuối đoàn và liên tục dừng lại giữ sức. Nhưng nhờ sự động viên của các thành viên ban tổ chức cùng các bạn tình nguyện viên, mình đã hoàn thành con đường ấy tới cùng”

Việc làm bạn với chiếc máy ảnh và lưu giữ những khoảnh khắc đẹp của bản thân và những người đồng hành trong suốt chuyến đi khiến hành trình trải nghiệm của Hồng Nhung trở nên ý nghĩa hơn (Ảnh: NVCC)

Tình người đất khách

Lần thứ hai trở lại “Vi Vu Sapa”, Thùy Trang (2003, Thanh Hóa) cảm thấy may mắn khi có dịp gặp lại cô bé Sùng Thị Chua - hướng dẫn viên người H’Mông trong dự án đến Sapa cách đây hơn 2 tháng. Thùy Trang nhớ như in khoảnh khắc chia tay cảm động tại nhà cô bé Chua: “Khi nhóm chúng mình chào tạm biệt cô bé để trở về, Chua đã chạy ra và ôm chầm lấy mình. Lúc đó, mình cảm thấy sống mũi cay cay. Trở về Hà Nội, mình chỉ mong hai chị em sẽ có cơ hội gặp lại”.

Thùy Trang tâm sự: “Thật may mắn khi mình và Chua được gặp lại nhau trong chuyến ‘Vi Vu Sapa’ đợt 3. Hai chị em gặp nhau tay bắt mặt mừng, nắm tay không rời. Được giao nhiệm vụ dẫn đoàn lên bản khiến mình có đôi chút lo lắng nhưng nhờ có sự giúp đỡ của Chua và các anh chị, chúng mình đã hoàn thành được việc nấu cơm bên bếp củi và có một bữa cơm ấm áp cùng cô chú chủ nhà H’Mông”. 

                                                                                   

Trân trọng những giá trị có được nhờ “Vi Vu Sapa”, Thùy Trang đã coi những người cô gặp trong chuyến trải nghiệm ấy như chính gia đình của mình (Ảnh: NVCC)

 Phạm Nga (2001, Thái Bình) cũng có những ấn tượng tốt trong hoạt động trải nghiệm tại nhà người dân bản. “Mình ngạc nhiên bởi sự hiếu khách, suy nghĩ chân thật và đơn giản của người miền núi. Đoàn chúng mình có đến 20 người tới chơi một ngôi nhà của em Phính - người dân tộc H’Mông. Chúng mình không hề có một cảm giác ngượng nghịu, xa cách với những người trong gia đình em”, Phạm Nga viết

Chính sự vui vẻ, tích cực của mọi người khiến Phạm Nga luôn tươi cười,  gác lại bao âu lo dang dở đời thường (Ảnh: NVCC).

Dù đã từng đặt chân đến Sapa cách đây ba năm, song Ngọc Hà (2003, Hải Phòng) chỉ thật sự cảm nhận sâu sắc về khí hậu, văn hoá và người dân vùng cao khi tham gia “Vi Vu Sapa”. Ngọc Hà bày tỏ sự cảm mến với người dân vùng cao: “Con người nơi đây hiền lành chất phác, hiếu khách và thân thiện. Tuy điều kiện khó khăn, thiếu thốn nhưng không hề ảnh hưởng đến phẩm chất lương thiện của họ”. 

Ngọc Hà gợi ý các bạn trẻ: “Chúng ta không cần phải đi đâu xa vì Việt Nam đẹp vô cùng. Nếu muốn trải nghiệm những nền văn hóa đa dạng thì không thể bỏ qua núi rừng Tây Bắc (Ảnh: NVCC).

Đồng hành cùng người thương gần hai năm trong chuyến “Vi Vu Sapa”, anh Nguyễn Tú (1992, Nghệ An) cảm kích vì sự chú ý đặc biệt mà mọi người dành cho mình và bạn gái. “Mình thấy ấn tượng và ý nghĩa nhất trong toàn chuyến đi là sự gắn kết giữa mọi người với nhau. Từ xa lạ thành thân quen, các bạn tham gia trải nghiệm cùng chúng mình đều rất vui vẻ và thân thiện. Họ quan tâm chân thành tới nhau chứ không giống với những chuyến đi thông thường chỉ ăn uống, chụp hình thông thường”, anh Tú nói. 

Trong chuyến đi cùng những bạn sinh viên xa lạ, anh Nguyễn Tú và bạn gái cảm thấy như được trẻ ra vài tuổi nhờ năng lượng tích cực, vui vẻ từ mọi người (Ảnh: NVCC) 

Tác giả: Hoa Đặng

 Tags: #nhasen, #vivusapa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây